Giá đất tăng 50%, nhà đầu tư Hà Nội thích xuống tiền vào vùng ven thủ đô thay vì đánh bắt xa bờ

Giá đất tăng 50%, nhà đầu tư Hà Nội thích xuống tiền vào vùng ven thủ đô thay vì đánh bắt xa bờ

Một số nhà đầu tư Hà Nội đã chuyển hướng sang bỏ vốn vào vùng ven nội thành, thay vì lựa chọn “đánh bắt xa bờ” tại các khu vực ngoại tỉnh.

Chuyển hướng đầu tư

2 năm trước, khi dịch bệnh chưa xuất hiện, anh Quang (Gia Lâm, Hà Lâm) lựa chọn Hưng Yên, Hải Dương là điểm bỏ vốn. Anh và đội nhóm chủ yếu săn đất thổ cư các khu vực sát dự án lớn hoặc khu công nghiệp.  Anh Quang tiết lộ, lợi nhuận của những thương vụ mua vào, bán ra từng mang về khoản lợi nhuận lên tới 100-150%. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 đến nay, anh Quang lại lựa chọn rút vốn ở các tỉnh sát Hà Nội. Thay vào đó, anh tập trung dòng tiền vào các khu vực vùng ven Hà Nội.

Chia sẻ về lý do thay đổi trong chiến lược kinh doanh, anh thừa nhận, chính dịch bệnh là nguyên nhân hàng đầu làm xê dịch quyết định điểm xuống tiền của nhà đầu tư này. 

Một là giá bất động sản tại các tỉnh cũng đã tăng rất nhiều, có nơi gấp 3 lần chỉ trong vòng 1 năm. Thực tế, cơ sở tăng giá của bất động sản tỉnh đã trở nên hạn chế, không còn sốt nóng như giai đoạn trước. Hai là dịch bệnh khiến việc di chuyển giữa các địa phương có phần hạn chế. Ba là hiện tại thị trường bất động sản Hà Nội, đặc biệt là các vùng ven đang có nhiều dư địa tăng trưởng tốt. Bốn là nếu đầu tư ở Hà Nội, chi phí đi lại sẽ tiết giảm đáng kể”, anh Quang nói.

Cũng như anh Quang, chị Ngọc Anh (Hoài Đức, Hà Nội) bắt đầu thay đổi kế hoạch đầu tư. Những năm trước, chị Ngọc Anh thường đi theo bạn “đánh bắt xa bờ” ở các khu vực có tiềm năng như Thanh Hoá, Thừa Thiên Huế, Khánh Hoà, Quảng Ninh. Tuy nhiên, 1 năm trở lại đây, chị Ngọc Anh chủ yếu đổ tiền vào chung cư đã qua sử dụng, cải tạo và bán lại. 

Theo nhà đầu tư này, số tiền lời từ đầu tư chung cư không tạo ra mức lợi nhuận quá bứt phá như các thương vụ trước chị từng xuống tiền. Song, nếu xét về rủi ro và tính thanh khoản, chung cư đã qua sử dụng bán dễ dàng vì nhu cầu ở thực lớn. 

Tiềm năng từ thị trường bất động sản Hà Nội

Theo báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, năm 2021 không có dự án bất động sản mới nào về đô thị và nhà ở được phê duyệt. Sản phẩm mới được chào bán chủ yếu là các dự án đã được phê duyệt từ giai đoạn trước.

Phân khúc căn hộ chủ yếu được chào bán là phân khúc trung và cao cấp, phân khúc binh dân hiện chỉ còn chiếm tỉ trọng rất nhỏ, dưới 5% và nằm ở các vùng ven của thủ đô.

Thị trường Hà Nội còn xuất hiện nhiều bất động sản đất nền trong dân được đưa vào tham gia, tạo nguồn cung cho thị trường, ước đạt hàng ngàn sản phẩm. Cũng theo báo cáo của VARs, phân khúc đất nền diễn ra khá sôi động tại các khu vực vùng ven Hà Nội như Tây Sơn, Ba Vì, Hoài Đức, Thạch Thất, Quốc Oai, Gia Lâm, Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn và Thanh Trì.

Tại khu vực đất đai tự phân lô bán nền của dân, hiện tượng giao bán nhiều, có thời điểm nóng, chủ yếu là giữa các nhà đầu tư với nhau. Ước lượng giao dịch thực chỉ đạt 10-15% lượng chào bán. 

Báo cáo của VARs đưa ra nhận định, nguồn cung chính thống khan hiếm do những vướng mắc pháp lý nên chậm phê duyệt dự án đầu tư. Các dự án đã được phê duyệt cũng khó tham gia thị trường vì vướng đền bù giải phóng mặt bằng do giá đất tăng cao.

Nhiều bất động sản tự do tham gia thị trường và hiện tượng đầu tư đổ xô tìm kiếm bất động sản để đầu tư đã làm nóng thị trường bất động sản Hà Nội.

Năm 2021, xuất hiện liên tiếp các đợt sốt đất bất chấp Covid diễn biến phức tạp. Điển hình là tháng 2, tháng 3 và tháng 11, tháng 12. Hiện tượng này chủ yếu diễn ra ở các vùng đất đai trong dân cư và ở các vùng ngoại thành, có xu hướng phát triển thành Quận.

Giá căn hộ chung cư khá ổn định, tăng nhẹ. Nhưng giá nhà đất biến động mạnh bình quân tăng từ 20-30%. Đặc biệt một số vùng trước đó giá thấp, nay tăng khoảng 50% như Ba Vì, Sơn Tây, Mê Linh, Sóc Sơn.

Theo giới đầu tư, với nguồn cung đang co hẹp trong khi nhu cầu ở thực không có dấu hiệu hạ nhiệt, đây chính là cơ hội cho các nhà đầu tư xuống tiền. Mặt khác, nhìn vào diễn biến của thị phần các vùng ven với mức giá tăng nhanh chóng, các nhiều nhà đầu tư nhận định, dư địa tăng trưởng khu vực này còn lớn khi cơ sở hạ tầng đang được cải thiện. Đây cũng là lý do khiến nhiều nhà đầu tư lựa chọn quay trở về với thị trường lớn truyền thống, thay vì chiến lược “đánh bắt xa bờ”. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *